Nhiều người nghi vấn, ông Lê Đức Nguyên đã tự lập sàn tiền ảo rồi tự đánh sập sau một thời gian nhằm chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư khắp Việt Nam.
Trùm tiền ảo Lê Đức Nguyên là ai?
Kết quả điều tra sơ bộ vụ việc bắt cóc cả gia đình doanh nhân, cướp 35 tỷ đồng cho thấy, nhóm nhà đầu tư tiền ảo làm việc này với mục đích gây áp lực đòi tiền từ ông Lê Đức Nguyên (tự Lucas, SN 1988, quê Bình Định, ngụ tại Q.2).
Còn nhân vụ cướp – ông Lê Đức Nguyên cũng đang đối diện với những tố cáo về hành vi “lừa đảo”.
Hiện nhiều nhà đầu tư ở TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng và các địa phương khác đang tố cáo ông Nguyên về hành vi “lừa đảo” thông qua các giao dịch tiền ảo Pincoin.
Ông Lê Đức Nguyên thường được biết đến với cái tên Lucas, là người nổi danh trên thị trường tài chính Việt Nam trong vòng 4 – 5 năm trở lại đây. Còn trẻ nhưng ông này được coi là đại gia giàu có.
Từ năm 2016, ông Nguyên nổi lên trong giới tài chính với vai trò là diễn giả, kêu gọi đầu tư vào sàn tiền ảo Bitkingdom. Bấy giờ, tiền ảo Bitkingdom được giới thiệu là ngân hàng tiền ảo lớn nhất thế giới, được công nhận trên toàn cầu.
Ông Nguyên có kỹ năng ăn nói lưu loát, kêu gọi nhiều người đầu tư để đổi đời. Những lời quảng bá “nổ” về đồng Bitkingdom như từ 10 triệu đồng, sau 3 năm có thể tạo ra khối tài sản lên đến 100 tỷ…
Dù không xuất hiện tên trong nhóm thủ lĩnh của Bitkingdom nhưng ai cũng thấy rõ vai trò cực kỳ quan trọng của ông Nguyên khi là diễn giả, kêu gọi đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, chỉ một thời gian ngắn sau, những thủ lĩnh chính của Bitkingdom đã chuyển hóa đồng Bitkingdom thành đồng Ifan.
Không bao lâu lại xảy ra vụ sập sàn Ifan với 32 ngàn nạn nhân bị chiếm đoạt 15 ngàn tỷ đồng. Khi ấy Bộ Công an và Công an TP.HCM vào cuộc điều tra nhưng không có kết quả.
Nhiều nhà đầu tư tài chính tiết lộ, ông Lê Đức Nguyên còn biết đến là nhà đầu tư nổi tiếng, cũng là người dạy đầu tư đồng Bitcoin, một loại tiền ảo phổ biến trên thế giới.
Vì sao có vụ cướp 35 tỷ đồng?
Vụ cướp tiền ảo trị giá 35 tỷ đồng đến nay đã dần hé lộ bản chất sự thật. Nhiều người đã lên tiếng tố cáo ông này là trùm lừa đảo tiền ảo đa cấp, bằng đồng tiền ảo có tên Pincoin.
Các nạn nhân cho hay, giai đoạn đầu năm 2018, ông Nguyên nói với nhiều người rằng, đã thương lượng thành công với nhiều chuyên gia tài chính nước ngoài để đưa loại tiền ảo mới, có tên Pincoin về Việt Nam.
Ông Nguyên kêu gọi nhiều người cùng tham gia xây dựng thương hiệu cho đồng Pincoin, kêu gọi nhiều người đầu tư và những người đi tiên phong sẽ thu được lợi nhuận khủng. Đa số những người tham gia giai đoạn đầu của đồng Pincoin đều biết ông Nguyên khi cùng đầu tư Bitcoin trước đây.
Theo tìm hiểu, nhiều người phải nộp tiền ảo Bitcoin vào tài khoản do ông Nguyên quản lý để mua tiền Pincoin. Những người không có sẵn đồng Bitcoin, phải dùng tiền USD để mua Bitcoin rồi chuyển đổi qua Pincoin. Và kinh doanh Pincoin cũng vận hành theo hình thức đa cấp.
Ông Nguyên khi đó được cho là mời nhiều “chuyên gia” từ nước ngoài về Việt Nam để tổ chức các sự kiện quảng bá cho đồng Pincoin. Từ đó, kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền vào. Ban đầu đã có một số người được hưởng lợi nhuận từ đồng Pincoin nhưng đến nay họ nhìn nhận, thực chất là chiêu trò lấy tiền của người vào sau để trả cho người trước, nhằm tạo ra hiệu ứng lòng tin để nhiều người khác bỏ tiền vào.
Vài tháng vận hành, sàn tiền ảo Pincoin bất ngờ bị sập… với nhiều thông tin lan truyền ra là do hacker đánh sập sàn. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân cho rằng, ông Nguyên và một số thủ lĩnh tự… đánh sập sàn, nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, đến nay thống kê cho thấy rõ con số nạn nhân mất tiền. Sau đó, ông Nguyên cũng biến mất, không liên lạc được.
Rất nhiều người đã đem cả gia sản, cầm cố nhà cửa… bỏ vào đồng Pincoin, thậm chí còn huy động người thân tham gia vào, nên khi sập sàn thì điêu đứng, mất trắng.
Các nạn nhân đã tổ chức truy tìm ông Nguyên trong thời gian dài nhưng không có kết quả. Họ khẳng định, đã bị ông Nguyên lừa đảo.
Trở lại vụ cướp tiền ảo có giá trị quy đổi 35 tỷ đồng gây xôn xao, những người bị bắt để điều tra hành vi “cướp tài sản”, đều đầu tư lớn vào đồng Pincoin theo lời chiêu dụ của ông Nguyên.
Như trường hợp Hồ Ngọc Tài (SN 1989, quê Đà Nẵng) bỏ 10 tỷ đồng vào Pincoin. Hay như Trần Ngọc Hoàng (SN 1983, cùng quê Đà Nẵng) cũng dùng 2 tỷ đồng mua Pincoin.
Cuối tháng 4/2020, hay tin ông Nguyên có mặt ở Sài Gòn thì nhóm này quyết gặp mặt để gây áp lực, đòi lại số tiền bị lừa. Và kế hoạch đòi lại số tiền bị lừa đã biến họ thành những… kẻ cướp.