Để vén màn bí mật hàng loạt sinh viên “mất tích”, PV Thanh Niên đã thâm nhập tìm hiểu hoạt động của “team khởi nghiệp 360”.
Chiều 7.6, qua thông tin trên mạng về tuyển sinh viên làm việc bán thời gian, lương từ 6 – 8 triệu đồng/tháng, PV Thanh Niên liên lạc ứng tuyển và được hướng dẫn đến một trong những cơ sở được cho là của nhóm khởi nghiệp số 21A1 Làng Tăng Phú, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM (đây là địa điểm ngày 6.6 Công an P.Tăng Nhơn Phú A kiểm tra phát hiện hàng chục sinh viên – PV) để phỏng vấn. Tại đây, một nhân viên tên Trâm đón tiếp, theo sát, đưa PV đến gặp “cấp trên” tên Nhớ. Sau khi hỏi thăm về gia đình, trường học thì “sếp” Nhớ sắp xếp công việc cho PV trực điện thoại.
Hết ung thư nhờ uống tiên thảo mộc trà?!
Theo “sếp” Nhớ, công việc trực điện thoại được trả 30.000 đồng/giờ, thưởng chuyên cần 300.000 đồng/tháng, thưởng doanh thu nhóm 500.000 đồng/tháng và nhiều quyền lợi khác như được đào tạo, đi du lịch miễn phí. Kết thúc buổi phỏng vấn đầu tiên, PV được yêu cầu đóng 200.000 đồng tiền làm mã nhân viên, mua cẩm nang sản phẩm.
|
Ngày 8.6, Trâm gọi PV yêu cầu qua chi nhánh số 42A Cây Keo (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, cũng đã bị cơ quan chức năng kiểm tra) để học buổi đào tạo đầu tiên. Tại đây, Trâm thao thao giới thiệu về công dụng của các sản phẩm như tiên thảo mộc trà, Collagen Keva 360, xương khớp Pro… Trong đó, tiên thảo mộc trà giá 395.000 đồng/hộp, công dụng đào thải độc tố, trị mụn, bào mòn sỏi thận… “Đã có trường hợp là mẹ của nhân viên trong công ty hết bệnh ung thư sau khi uống trà”, Trâm nói liên hồi. Cuối buổi, chúng tôi cùng nhân viên khác được cho xem clip nói về thành công của các “sếp” trong công ty.
Ngày 9.6, PV được Trâm thông báo đến lại trụ sở ở Q.9 dự buổi đào tạo thứ hai. Gặp lại PV, Trâm chia sẻ: “Em biết sếp Đặng Thị Thu Trang chưa? Sau nhiều năm phấn đấu, sếp ấy quản lý khoảng 2.000 người với khối tài sản xài 3 đời chưa hết. Dưới sếp Trang là sếp Tuấn nè. Dưới sếp Tuấn là anh Huỳnh Văn Sang. Dưới anh Sang là chị Lục Thi Oanh, trưởng phòng tỉnh và hiện đang quản lý cơ sở của mình tại Q.9 này”. Tiếp đến, “sếp” Nhớ rao giảng: “Chị đã lỡ mất 10 năm mới biết được môi trường của công ty mình. Không có đâu tốt được như bộ phận kinh doanh ở đây, nơi cho em kinh nghiệm, kỹ năng, sự dạn dĩ và có cả tiền nữa. Đây là cơ hội có 1 không 2 của em để làm giàu”.
Nhớ yêu cầu PV viết đơn xin chuyển sang bộ phận kinh doanh. Theo quan sát của PV, những người đến đây đào tạo đều có 1 nhân viên của công ty bám sát, kể cả đi vệ sinh. Lúc ra về, “sếp” Nhớ luôn dặn các “học viên” không được nói cho ai biết về nội dung buổi đào tạo, kể cả bố mẹ và anh chị em trong gia đình (!?).
Thu nhập 500 tỉ đồng/tháng!
Ngày 10.6, PV lại được hẹn đến văn phòng ở Q.9 và nhận kết quả trúng tuyển vào phòng kinh doanh nhưng là “vé vớt” vì có sự giúp đỡ của “sếp” Nhớ. Lúc này, một quản lý tên Sương giới thiệu cho PV về “hình thức kinh doanh hệ thống” của công ty.
|
Theo Sương, với mỗi đơn hàng bán được, PV có thu nhập cá nhân 500.000 đồng. “Với hai nhóm A và B, em có thể tuyển những đồng đội, anh em của mình. Với mỗi cặp đơn hàng mà hai nhóm này tạo được, em sẽ được 300.000 đồng/cặp. 10 cặp đầu tiên, em lên quản lý 1, thưởng nóng 5 triệu đồng, kèm theo tiền cho mỗi cặp, em thu được 8 triệu đồng đầu tiên. Đạt được 30 cặp, em lên quản lý 2, thưởng 10 triệu đồng, cộng tiền mỗi cặp hóa đơn mới, em được 16 triệu đồng. Cứ thế, 60 cặp, em lên quản lý 3, thu nhập 24 triệu đồng. Khi đủ 99 đơn, em sẽ lên chức phó phòng kinh doanh với tổng thu nhập là 109,7 triệu đồng”, Sương giảng dạy.
Tiếp đó, PV được yêu cầu trải qua thử thách “79 điểm” để đảm bảo 4 yếu tố: bản lĩnh, lập trường, niềm tin, sự mong muốn. “Hơn 20 tuổi đầu mà không lo được cho mình thì đến khi nào mới lo được cho gia đình. Với tố chất kém như em, anh chị sẽ mất rất nhiều thời gian đào tạo. Làm sao để chị tin em xứng đáng để vào bộ phận kinh doanh?”, một quản lý tên Chiến buông lời đả kích PV.
Thử thách PV phải vượt qua là trong vòng 15 phút phải xin được 5.000 đồng từ các cấp trên ở công ty. Sau đó, Trâm đưa PV gặp 3 quản lý để xin tiền. 1 trong 3 quản lý ra điều kiện “thế chấp tất cả tài sản em hiện có trong người, chị sẽ cho em 1.000 đồng”.
PV lấy 50.000 đồng trong ví, chìa khóa xe và điện thoại đưa cho người quản lý và nhận 1.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian đã quá 15 phút nên PV thất bại. Lúc này, Trâm theo sát và hướng dẫn tới năn nỉ quản lý Chiến để xin cơ hội.
Thấy PV cầu thị, Chiến tỏ vẻ rộng lượng: “Chị cho em đến 17 giờ để thuyết phục một anh chị quản lý bất kỳ tại công ty cho em biết về thử thách 79 điểm là gì, thì em qua”.
Nghe Chiến nói xong, Trâm dẫn chúng tôi qua gặp “sếp” Nhớ, nhờ giải thích thử thách 79 điểm là gì. Nhớ tuyên bố: “Làm việc ở công ty này, không cần chi trả chi phí cho các mối quan hệ xã giao… Dù giang hồ, công an có đến thì các sếp, các anh chị là người đứng ra trước. Giang hồ đến quậy, sếp Khoa quen với các băng nhóm ở Đồng Nai, gọi một tiếng là lên ngay. Tất cả đã có các sếp lo, không có rủi ro gì cả”, rồi truyền bá: “Dự án 109,7 triệu đồng nhanh hay chậm là dựa vào chính em. Sếp Trang mất 3 năm dẫn đường để đạt 109,7 triệu đồng. Sau đó chỉ dạy cho anh em, rút ngắn thời gian lại 1 năm, 6 tháng hoặc 3 tháng. Có một quản lý ở chi nhánh Hóc Môn chỉ mất 3 ngày. Em ngu lắm thì là 1 năm đạt được 109,7 triệu, em nghĩ sao? Với 5.000 nhân viên trong vòng 10 năm, chỉ cần quản lý 2 nhóm trưởng, em sẽ được “ngồi mát ăn bát vàng”. Dòng họ của 5.000 người này làm cho em 100 đơn hàng, em sẽ có 500 tỉ. Đó là sức mạnh của liên minh tiêu dùng, em biết không?”.
|
Sau khi vẽ ra bức tranh thu nhập 500 tỉ/tháng trong 10 năm tới, “sếp” Nhớ cho biết thử thách “79 điểm” có nghĩa là… gói đầu tư hơn 9 triệu đồng để đầu tư bộ sản phẩm chất lượng của công ty…
Cuối ngày 10.6, Nhớ lưu ý PV không nói cho người khác biết, đồng thời thúc để giữ vị trí nhân viên kinh doanh phải đặt cọc từ 1 – 2 triệu đồng. Khi PV nói không đủ tiền thì Nhớ đề nghị: “Bây giờ em nhờ chị Trâm hướng dẫn ra tiệm cầm đồ, cầm điện thoại của mình, rồi vào đây đặt cọc giữ vị trí. Chị không đảm bảo em còn cơ hội hay không nếu em không đặt cọc giữ chỗ”.
PV viện cớ mẹ bệnh nặng phải về chăm, hôm sau còn đi thi hết môn nên không thể cầm cố điện thoại, thì quản lý Chiến xuất hiện, tỏ vẻ không hài lòng: “Em về chăm mẹ được gì? Em có kiếm tiền được cho cha mẹ em chữa bệnh không? Nhà thì khi nào về cũng được, gọi liền cho cha mẹ nói hôm nay không về đi vì ở lại làm xong việc. Dù hôm nay rớt môn học thì em vẫn còn học lại được. Nhưng cơ hội qua rồi thì không biết khi nào mới có lần hai”. Sau đó, Trâm, Chiến, Nhớ ra sức chèo kéo PV đi cầm điện thoại lấy tiền vô đặt cọc. Phải đến khi PV khóc, van xin và cam kết “ngày mai đem tiền đến đặt cọc giữ vị trí” thì mới được cho ra về…
Không cho người thân đi cùng để đóng tiền
Ngày 11.6, thấy PV không đến đặt cọc giữ vị trí nhân viên kinh doanh thì Trâm liên tục gọi điện hối thúc. Khi PV trình bày anh trai đã cho tiền nhưng với điều kiện đi cùng lên trụ sở đóng thì Trâm ngăn cản: “Đừng cho anh trai lên, nói với anh là em đang đi tìm hiểu, có ý định học khóa giao tiếp, cần tìm hiểu kỹ hơn, việc đi theo không cần thiết”.
Gần hết buổi sáng, thấy PV vẫn chưa đến trụ sở thì “sếp” Nhớ gọi điện hỏi tình hình và nói “nếu em lên trễ sẽ không còn cơ hội ứng tuyển vào vị trí kinh doanh”.