GIÁ TRỊ THỜI GIAN CỦA TIỀN

GIÁ TRỊ THỜI GIAN CỦA TIỀN

1, Tại sao tiền có giá trị theo thời gian?
”Thời gian là tiền”. Khi xem xét giá trị tiền tệ, ngoài số lượng thì ta cần xét theo cả khía cạnh thời gian. Có nghĩa là, ta không thể coi hai khoản tiền 100 triệu có giá trị như nhau nếu chưa tính đến thời điểm phát sinh hai khoản tiền này.

Giá trị thời gian của tiền là khái niệm cho rằng các khoản tiền ở thời điểm khác nhau có giá trị khác nhau. Thông thường, chúng ta thấy khoản tiền sẵn có tại thời điểm hiện tại có giá trị cao hơn số tiền tương tự trong tương lai do khả năng sinh lời tiềm năng của nó.

Hay nói cách khác, khái niệm “giá trị thời gian của tiền” giải thích tại sao chúng ta mong muốn nhận được tiền ngay ngày hôm nay thay vì nhận được nó vào một thời điểm trong tương lai.

Có ba lý do giải thích cho điều này:

  • Trước hết, là do cơ hội sử dụng tiền: Bạn có thể dùng số tiền đang có hôm nay để đầu tư sinh lợi. Nếu nhận 100 triệu ngay hôm nay, bạn có thể đầu tư vào cổ phiếu với lãi suất kì vọng khoảng 15%/năm, hoặc ít nhất, bạn sẽ gửi ngân hàng với lãi suất là 7%/năm, và sau một năm nhận lại gốc và lãi là 107 triệu.
  • Thứ hai, lạm phát luôn luôn hiện hữu. Trong môi trường có lạm phát đồng tiền sẽ bị mất giá, sức mua của tiền bị giảm theo thời gian, làm cho một đồng nhận được trong tương lai có giá trị thấp hơn một đồng nhận được ngày hôm nay. Ví dụ như với 10 triệu đồng, ngày hôm nay bạn có thể mua được một chiếc máy tính, nhưng một năm sau, vẫn với 10 triệu đó, bạn lại không thể mua được chiếc máy tính đó nữa vì giá của nó đã lên mất rồi.
  • Thứ ba, trường hợp rủi ro không nhận được số tiền đó trong tương lai. Tương lai là không chắc chắn, ta không thể biết trước thị trường như thế nào, tình trạng nền kinh tế tăng trưởng hay suy thoái, điều này có thể khiến cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thiệt hại, phá sản và khoản tiền mà chúng ta kỳ vọng nhận được cũng có thể sẽ không còn.

Bởi vậy, một đồng ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ có giá trị hơn một đồng ở thời điểm nào đó trong tương lai.

2, Cách xác định giá trị tiền tệ theo thời gian:
Trong bất kỳ quyết định đầu tư nào, cơ sở để xem xét và đưa ra lựa chọn chính là việc đánh giá xem những đồng tiền “mẹ” mà mình bỏ ra sẽ biến đổi ra sao, đẻ ra những đồng tiền “con” khác nhau như thế nào. Ta cần quy đổi khoản tiền tương lai về giá trị hiện tại để xem quyết định đầu tư đó có kiếm được nhiều hơn con số ban đầu bỏ ra hay không.

Như đã nói, giá trị thời gian của tiền được giải thích thông qua lãi suất, lạm phát và rủi ro, nhưng thông thường khi tính toán lãi suất hiện hành, yếu tố lạm phát và rủi ro đã đều được xem xét đến.

Và ngay cả khi không có sự xuất hiện của 2 yếu tố này, thì tiền vẫn có giá trị theo thời gian vì nó không ngừng vận động và luôn có khả năng sinh lời. Nên có thể nói, giá trị thời gian của tiền thể hiện rõ ràng nhất thông qua Lãi suất.

Có 2 khái niệm về giá trị thời gian của tiền, đó là: Giá trị hiện tại và giá trị tương lai của tiền.

Giá trị tương lai của tiền: Là giá trị có thể nhận được tại một thời điểm trong tương lai (FVn) bao gồm số vốn gốc (PV0-giá trị hiện tại) và toàn bộ số tiền lãi tính đến thời điểm đó(I).

FVn=PV 0+I

Phương pháp tính lãi I là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến giá trị tương lai của tiền. Trên thực tế, phương pháp tính lãi kép được sử dụng nhiều hơn phương pháp tính lãi đơn. Ta có công thức tính giá trị tương lai của một khoản tiền như sau:

FVn=PV0. (1+i)n

Trong đó:
FVn: Giá trị tương lai tại thời điểm cuối kỳ n
PV0: Giá trị hiện tại (số vốn đầu tư ban đầu)

i: Lãi suất/kỳ
n: Số kỳ tính lãi

Từ công thức tính giá trị tương lai, ta có thể suy ra công thức tính giá trị hiện tại của một khoản tiền:
PV0=FVn(1+i)n

Hai công thức này chính là nền tảng của toán học tài chính. Nó liên kết giá trị ở một thời điểm với giá trị ở một thời điểm khác kèm lãi kép. Để đưa ra các quyết định tài chính, ta cần quy các khoản tiền trong tương lai về cùng một thời điểm.

Ví dụ: nhà đầu tư được chọn một trong hai phương án sau: Nhận 100 triệu ngay hôm nay hay nhận 100 triệu trong vòng 2 năm tới.

Chắc chắn sau khi đọc tới đây, tất cả chúng ta sẽ lựa chọn phương án số 1, bởi ba lý do đã được đề cập đến trong phần trước. Tuy nhiên, ta còn có thể tính được số tiền đưa ra vào 2 năm sau sẽ là bao nhiêu, nếu muốn lựa chọn theo cách số 2?

Giả sử lãi suất hiện hành là 10%/năm. Ta cần tính giá trị tương lai của 100 triệu đồng ở thời điểm sau 2 năm:
FV2=PV0. (1+0.1)2
FV2=121 triệu

Vậy, giá trị tương lai sau 2 năm của khoản tiền 100 triệu đồng ngày hôm nay là 121 triệu đồng. Nói cách khác, chúng ta sẽ chọn phương án nhận 100 triệu ngay ngày hôm nay trừ khi được đề nghị trả một khoản tiền ít nhất là 121 triệu trong vòng 2 năm tới.

Vậy, có thể thấy rằng số tiền ở hiện tại sẽ cho ta một cơ hội để làm nó sinh lời và do đó có giá hơn lượng tiền tương tự trong tương lai.

3, Tài sao cần hiểu rõ về giá trị thời gian của tiền khi quản lý tài chính cá nhân?
Đối với quản lý tài chính cá nhân, sự am hiểu về giá trị thời gian của tiền là yếu tố vô cùng quan trọng.

Trên mạng internet đã từng chia sẻ những câu chuyện có nội dung kiểu như một người đi làm tích góp cất giữ tiền trong nhà và mấy chục năm sau mang ra thì số tiền không còn mấy giá trị.

Nghe giống như một câu chuyện đùa. Nhưng đó chính là sự ảnh hưởng bởi giá trị thời gian của tiền. Chính vì thế, trong tài chính cá nhân nói riêng và tài chính nói chung, giá trị thời gian của tiền là kiến thức vô cùng căn bản.

Dễ thấy nhất là quyết định bạn nên gửi tiền ngân hàng hay giữ tại nhà, cao hơn một chút thì lựa chọn gửi ngân hàng với lãi suất bao nhiêu thì chấp nhận được.

Chẳng hạn bạn gửi tiền ngân hàng với lãi suất là 7% nhưng lạm phát là 5%, vậy thì lãi suất thực bạn nhận chỉ là 2% mà thôi. Bạn sẽ có 2 quyết định gửi hoặc không gửi tiền ngân hàng , trong trường hợp bạn gửi tiền ngân hàng thì cũng cần nhớ rằng tiền tương lại tăng lên 2% chứ không phải 7% đâu, bởi vậy hãy đưa ra những kế hoạch chi tiêu phù hợp.

Hiểu được giá trị thời gian của tiền, bạn cũng sẽ biết thời điểm nào là thời điểm vàng nên thanh toán các hóa đơn. Trong cuốn Cha giàu Cha nghèo, tác giả Robert Kiyosaki có nhắc tới người “cha giàu” luôn trả hóa đơn vào cuối tháng để tận dụng tối đa thời gian sinh lời của tiền, tất nhiên cần hoàn tất trước khi khoản thanh toán trở thành khoản nợ quá hạn.

Tương tự, bạn có thể vận dụng tốt điều này khi vay bằng thẻ tín dụng. Khi đó, hãy trả tiền vào ngày 29 nếu hạn mức thời gian vay của bạn là 30 ngày. Bạn không phải trả lãi nhưng vẫn được dùng tiền trong 29 ngày. Tuyệt vời , đúng không nào?

Nhưng lưu ý, bạn cần kỷ luật với bản thân, nếu ngày 29 bạn chi tiêu quá đà và không có tiền hoàn lại thì sau ngày 30 mức phí phải trả không hề nhỏ.

Việc hiểu về giá trị thời gian của tiền còn giúp bạn -với tư cách nhà đầu tư cá nhân- có thể so sánh và lựa chọn các khoản đầu tư khác nhau. Mỗi kênh đầu tư sẽ có những dòng tiền phát sinh ở các thời điểm khác nhau trong tương lai và không tuân theo một quy tắc nào, bởi vậy, cần quy dòng tiền về cùng một thời điểm và so sánh các khoản đầu tư với nhau, từ đó mới đánh giá được hiệu quả và đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn.

Kết luận:

Trên góc độ tài chính, giá trị tiền ở các thời điểm khác nhau là khác nhau. Chính bởi tiền có giá trị theo thời gian, nên nhận tiền sớm chừng nào thì càng có lợi chừng đó. Nguyên lý này giúp nhà đầu tư đưa ra được các quyết định tài chính hiệu quả, đặc biệt khi các khoản đầu tư phát sinh dòng tiền ở các thời điểm khác nhau trong tương lai.

Cre: HBR/ Mạng lưới tài chính cá nhân Việt Nam, Khoa Tài chính Ngân hàng- ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội.

Post Comment